Điểm mới trong hoà giải tại Toà án: Có sự điều hành và công nhận kết quả

Posted by CODE TOT JSC on 22 Tháng Ba, 2020

Category: Đối thoại và hòa giải

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình lý giải tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH sáng 14-9, cho ý kiến về dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Qua thí điểm, tỷ lệ hoà giải thành đạt trên 70%

Trình bày tờ trình về dự án luật, Chánh án TAND tối cao đã nêu rất nhiều ưu điểm của việc thực hiện hoà giải, đối thoại để thấy được sự cần thiết của việc ban hành luật này. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chánh án TAND tối cao khẳng định, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

“Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp”, ông nhấn mạnh.

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, TAND tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của thành phố. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, TAND tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019). Qua 3 tháng đầu tiên triển khai đã hòa giải thành, đối thoại thành được 15.016 vụ, đạt tỷ lệ 74,08%.

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bởi qua sơ kết tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 74,08% đã khẳng định tính ưu việt của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã đánh giá đây là một dự án luật mở ra một thiết chế mới trong hoạt động hoà giải, đối thoại; đồng thời hoan nghênh sự sáng tạo, đổi mới của TAND tối cao. “TAND tối cao rất tâm huyết, đặc biệt là đồng chí Chánh án. Khi có cơ chế này thì không mang lại lợi ích cho toà, toà vất vả hơn, nhưng mang lại lợi ích cho cái chung”, Chủ nhiệm UBTP nói. Bà đánh giá cao dự án luật này còn bởi, chẳng có luật nào mà được tổ chức thí điểm, sơ kết thí điểm, có người nước ngoài vào tham gia sơ kết thí điểm và cử đoàn công tác đi nước ngoài học tập như vậy.

Cân nhắc quy định hoà giải viên phải có chứng chỉ, dưới 70 tuổi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí với những trình bày thuyết phục trong tờ trình về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật. Tuy nhiên về hoà giải viên, bà đề nghị cân nhắc quy định tiêu chuẩn dưới 70 tuổi hay phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án.

“Theo tôi, hoà giải viên cần người có kinh nghiệm, có uy tín, có quá trình công tác tại các cơ quan pháp luật, không nên chú trọng tới tuổi. Có những người hoà giải không có chứng chỉ hành nghề, trên 70 tuổi nhưng rất có uy tín và hoà giải rất hiệu quả, thành công”, bà nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn, nếu quy định phải có chứng chỉ thì lại mở ra các khoá bồi dưỡng, tăng chi phí thủ tục… liệu có đạt mục tiêu của luật này hay không? Thêm nữa, có những luật sư, những người làm trong ngành bảo vệ pháp luật hay những ĐBQH lớn tuổi, rất nhiều kinh nghiệm nghị trường thì cũng nên có quyền hoà giải. Hay việc bắt một ông luật sư già đi học một khoá bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải thì e là không hợp lý, do đó không nhất thiết quy định tiêu chuẩn này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ thế nào là người có uy tín trong xã hội, bởi đây là vấn đề rất khó định lượng. Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, có những người có thể không có uy tín trong xã hội, trên truyền thông, không được cả nước biết đến nhưng trong vùng hẹp hay trong những lĩnh vực chuyên môn họ rất hiểu biết, có kinh nghiệm.

Bà lấy ví dụ về vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các già làng, trưởng bản: “Như ở Hoà Bình, người Mường sinh sống theo các ổ nhà, trong ổ nhà có các cụ cao niên. Khi xảy ra mâu thuẫn thì cụ cao niên trong ổ nhà này mang rổ trứng gà hay rổ hoa quả sang ổ nhà kia nói chuyện thì có thể 15-20 phút sau các mâu thuẫn đều được hoá giải, không còn tranh chấp nữa. Do đó, đôi khi việc hoà giải nên căn cứ từ yếu tố truyền thống, về độ tuổi hay uy tín thì cần xem xét rõ”.

Chưa nên thu phí hoà giải tại Toà án

Về kinh phí cho công tác hoà giải, Trưởng ban Dân nguyện thống nhất với phương án 1 và ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, tức cứ triển khai 5 năm rồi mới tổng kết và quyết định. “Tờ trình nêu một vụ việc nếu hoà giải thành thì kinh phí bỏ ra chỉ chiếm 20% so với khởi kiện, tiết kiệm đến 80% cho một vụ việc. Như vậy tôi tính nôm na, nếu một vụ hoà giải thành thì số tiền tiết kiệm cho việc hoà giải đó có thể chi cho 4 vụ việc khác”, bà nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong điều kiện hiện nay vấn đề hoà giải rất tốt, không chỉ giảm chi phí cho Ngân sách Nhà nước, Toà án mà còn giảm chi phí cho xã hội, do đó cần khuyến khích. Mà đã khuyến khích thì chưa nên đặt ra vấn đề thu, tất cả hoạt động đó đều do Ngân sách Nhà nước đài thọ. Tuy nhiên, để đảm bảo sức sống lâu dài của luật, ông đề nghị quy định hiện tại hoạt động hoà giải, đối thoại chưa thu phí, song khi nào thấy cần thu theo cơ chế thị trường và điều kiện lúc đó đảm bảo thì sẽ thu.

Giải trình thêm tại phiên họp về nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, sẽ thiên về xu hướng Nhà nước chi phí để có lợi cho người dân. Theo ông, về bản chất đây là hoà giải ngoài tố tụng trước khi Toà án thụ lý. Tuy nhiên điểm khác biệt với hoà giải thông thường ở chỗ là có tham gia của Toà án. “Vai trò của Toà án trong chuyện này là điều hành, quản lý hoạt động hoà giải và công nhận kết quả hoà giải, có giá trị pháp lý như một bản án. Khác với hoà giải ở cơ sở, sau khi hoà giải xong không có hiệu lực thi hành pháp luật. Còn hoà giải tại Toà án thì có hiệu lực thi hành”, ông lý giải thêm.

Theo báo Công An Nhân Dân